Mới đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong.
Theo Đời sống Pháp luật, liên quan tới ca bệnh bạch hầu trong cộng đồng, để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những chỉ đạo các địa phương liên quan, cụ thể:
Hai tỉnh có liên quan tới ca bạch hầu đó là các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang cần tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu;
Giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế lưu ý Sở y tế hai tỉnh trên đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; Thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Bộ Y tế yêu cầu, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.
Theo Bộ Y tế trong trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.
Theo Bộ Y tế, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu và có thể phòng bệnh bằng vắc xin.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ