Dù lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng từ 1/7 nhưng theo các chuyên gia, loại trừ khối công chức, viên chức “ăn lương” từ ngân sách nhà nước chắc chắn được lĩnh phần tăng thêm, còn lại một số thành phần khác, đặc biệt khối cán bộ viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa thể mừng ngay được.

 

 

Ngày 9/7/2024, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Tăng lương ở đơn vị tự chủ tài chính: Viên chức chớ vội mừng”. Nội dung cụ thể như sau:

Theo nhiều đơn vị, đến nay có hay không tăng lương cho các đối tượng này vẫn phải chờ. Bởi nếu đơn vị không bố trí được nguồn tăng quỹ lương, thì dù lương cơ sở tăng, thu nhập viên chức cũng không thay đổi.

Tăng lương cho viên chức đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phụ thuộc vào quỹ lương của cơ quan. (Ảnh minh họa)

Thấp thỏm chờ tăng lương

Lương cơ sở chính thức tăng từ ngày 1/7, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã có sẵn nguồn. Tuy nhiên, viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đến nay vẫn trong tình trạng thấp thỏm ngóng chờ tăng lương.

Chị Lê Ngọc – viên chức cơ quan báo chí tự chủ tài chính tại Hà Nội chia sẻ, hằng tháng, thu nhập của chị gồm: lương cơ bản (lương cơ sở nhân hệ số lương), phụ cấp (tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa), lương tăng thêm theo mức độ xếp loại hoàn thành công việc và nhuận bút. Với hệ số lương 2,69, chị Ngọc nhẩm tính, hiện tại, sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, lương cơ bản, phụ cấp của chị dao động 5,2 – 5,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, riêng lương cơ bản 4,8 triệu đồng/tháng.

“Nghe tin tăng lương cơ sở 30%, chúng tôi ngóng chờ lương tăng. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, khoản tăng lương giúp bù đắp chi phí, có thêm động lực làm việc”, chị Ngọc chia sẻ.

Dù ngóng tăng lương nhưng chị Ngọc cũng như bao người khác đang làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp có thu đều thấp thỏm khi nghe thấy nhiều khả năng tổng thu nhập hằng tháng sẽ không được tăng thêm, bởi quỹ lương của cơ quan không thay đổi. Thậm chí, theo một kế toán viên của cơ quan chị, nếu tăng phần lương cơ sở, khoản thu nhập khác như nhuận bút sẽ giảm xuống. “Hiện, tổng thu nhập của tôi trung bình từ 11-13 triệu đồng/tháng, trong đó có một nửa đến từ lương. Nếu tăng lương, giảm nhuận bút, giảm phụ cấp thì kết quả như nhau”, chị kể.

Theo chị Thu Ngân, kế toán một cơ quan báo chí tự chủ tài chính tại Hà Nội – nơi đang có tổng số 250 viên chức, người lao động làm việc thì, chị chưa biết ý kiến Ban lãnh đạo cơ quan chốt thế nào nhưng tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu giảm trong khi tổng chi phí toàn cơ quan đang tăng thêm, như thế rất khó để có thể tính toán bố trí được nguồn cho việc tăng lương mới này. “Gần đây nhất, tháng 7/2023, cơ quan tôi, các sếp đã phải “cân đo đong đếm” cân đối nguồn khi tăng lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Nay thêm lần này, mà không bố trí được quỹ, thì e khó”.

“Tăng lương cơ sở năm 2024 ở mức 30%. Ngoài khoản tăng lương cho viên chức, cơ quan phải đóng thêm chi phí liên quan như bảo hiểm xã hội. Khoản tăng thêm khá lớn trong khi quỹ lương của cơ quan chưa tăng thêm. Vì vậy, chúng tôi đang chờ quyết định từ lãnh đạo cơ quan, có thể phải giảm khoản thu nhập khác”, chị Ngân nói.

Cùng là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, chị Trần Mỹ Linh thuộc ban quản lý dự án đầu tư của một sở tại Hà Nội thì băn khoăn, theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, ban quản lý của chị có bắt buộc phải tăng lương cho viên chức hay không?

“Cơ quan tôi chưa chuẩn bị nguồn tăng lương, nếu buộc phải tăng sẽ rất khó khăn. Không tăng lương liệu cơ quan tôi có bị phạt, tôi rất băn khoăn”, chị Linh chia sẻ.

Băn khoăn của chị Linh cũng là thắc mắc của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính hiện nay khi tăng lương cơ sở. Bộ Tài chính cho biết, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính cơ chế tiền lương thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Theo đó, khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương có hiệu lực, đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tình hình tài chính, tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động, quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động. Trường hợp, nguồn thu thấp hơn chi, đơn vị sự nghiệp công lập chủ động giảm quỹ lương tương ứng. Tuy nhiên, mức chi trả tiền lương cho viên chức không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tự đảm bảo tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.

Đến cuối năm 2023, cả nước có gần 46.400 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có khoảng 11.440 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, tương đương gần 25% tổng số đơn vị (bao gồm các nhóm: đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đảm bảo chi thường xuyên; đảm bảo một phần chi thường xuyên).

Chế độ cho viên chức cũng tăng theo lương

Lương cơ sở tăng cũng giúp nhiều chế độ cho viên chức tăng theo. Chị Phạm Hiền – viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội cho biết. Dự kiến, tháng 11 chị Hiền nghỉ thai sản, hưởng bảo hiểm xã hội. Chị Hiền tìm hiểu, từ 1/7 tăng lương cơ sở, mức lương hưởng chế độ thai sản có thể được tăng thêm.

Hiện nay, lương cơ sở làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Theo đó, trợ cấp thất nghiệp được quy định mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất lên mức 11,7 triệu đồng.

Các chế độ dành cho người ốm đau, thai sản cũng được tăng lên từ ngày 1/7. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thai sản, ốm đau, mức dưỡng sức sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tương ứng 702.000 đồng/ngày, tăng 162.000 đồng/ngày so với mức hưởng hiện nay. Trợ cấp một lần cho phụ nữ khi sinh mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con sẽ là 4,68 triệu đồng/con, thay thế mức 3,6 triệu đồng/con như hiện hành. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở, lên đến 23,4 triệu đồng.

Cùng với đó, mức trợ cấp một lần dành cho người không may bị t.ai n.ạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hằng tháng khi bị t.ai n.ạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp phục vụ cho người bị t.ai n.ạn lao động…cũng tăng lên.

Báo Người Lao động ngày 7/7/2024 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Từ 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức còn được nhận phụ cấp thâm niên?”. Nội dung cụ thể như sau:

Theo đó, tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Kế luận 83-KL/TW ngày 21 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 có nêu rõ 7 nội dung về chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức cụ thể như sau:

 

Từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù

1. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 1-7-2024.

2. Thực hiện chế độ tiền thưởng từ ngày 1-7-2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản).

Quy định chế độ tiền thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của người hưởng lương, kịp thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua Khen thưởng 2022.

3. Hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

4. Quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm:

– Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang.

– Từ nguồn ngân sách trung ương.

– Từ một phần nguồn thu sự nghiệp. Từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên.

– Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.

5. Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung, gồm:

– Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.

– Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

– Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo chủ trương tại Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018.

– Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Thực hiện tiền lương và thu nhập của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù:

Giao Ban cán sự đảng Chính phủ: Chỉ đạo Chính phủ, các bộ, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6-2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1-7-2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Từ ngày 1-7-2024 cán bộ, công chức, viên chức vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nếu thuộc đối tượng được hưởng

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024.

7. Về sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp:

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu và quyết định việc sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, nhất là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn

Như vậy, việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 tạm hoãn đồng thời nội dung thực hiện các chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 không đề cập đến việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề.

Vậy, từ ngày 1-7-2024 cán bộ, công chức, viên chức vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nếu thuộc đối tượng được hưởng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *